Lễ hội đình - đền Hào Nam
Số 29 Phố Vũ Thạnh, Ô Chợ Dừa, Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đình – đền Hào Nam là tên địa danh của làng Hào Nam - một làng cổ nằm ở phía Tây Nam kinh thành, một trong “Thập tam trại” của kinh thành Thăng Long xưa. Ngôi đình có địa chỉ tại ngõ 29, phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đình thờ Linh Lang Đại vương, là một trong 269 nơi thờ Ngài, còn ngôi đền thờ Ngọc Thủy Tinh công chúa.
Linh Lang là nhân vật được thờ nhiều trong làng quê của đồng bằng Bắc Bộ và được thờ chính tại đền Voi Phục, Thủ Lệ. Về lai lịch của thần, những ghi chép trong sử sách và truyền thuyết dân gian ở mỗi vùng có khác nhau, song tất cả các tài liệu đều quy nguồn gốc của thần về trại Thủ Lệ trong khu “Thập Tam trại” xưa. Theo thần tích thì Linh Lang là Hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông và mẹ là Hạo Nương người làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai cùng gia đình ra Thị Trại (tức trại Thủ Lệ) sinh sống. Một lần khi bà đang tắm ở Hồ Tây thì có con Giao long đến quấn quanh người 3 vòng từ đó bà mang thai, sau 14 tháng thì sinh được một người con trai có hình dung kỳ vỹ to lớn khác thường. Trên lưng đứa trẻ có hình “nhị thập bát tú” xếp hàng vảy nến, giữa bụng có sao Bắc đẩu điểm như hạt châu chia làm “thất diệu”. Vua Lý rất mừng liền theo điềm báo đặt tên con là Hoàng Lang.
Sau khi Hoàng Lang ra đời được hơn một tháng thì tướng giặc kéo từ phương Bắc sang xâm lược nước ta. Triều đình cử sứ giả đi tìm người hiền ra giúp nước thì Hoàng Lang bỗng vươn mình ngồi dậy, thân cao 9 thước, tay cầm cờ lệnh nhảy lên lưng voi, dẫn đoàn quân xông lên đánh tan quân giặc.
Khải hoàn trở về, vua Lý muốn nhường ngôi nhưng Hoàng Lang từ chối không nhận. Ít lâu sau chàng bị bệnh lên đậu, khi vua cha tới thăm Hoàng Lang thưa rằng: Thần vốn là con của Long Quân, vì thấy thế nước nguy nan nên vâng mệnh trời thác xuống Hoàng gia để giúp nước, nay giặc đã dẹp xong thần xin trở về thuỷ quốc. Biết nhà vua muốn hậu thưởng, cho phép nhân dân sau này được phụng thờ để hộ quốc an dân, Hoàng Lang xin được cầm lá cờ lệnh khi trước để tung lên trời, cờ bay đến đâu thì cho phép nơi đó được phụng thờ. Sau đó liền biến thành con rắn trắng dài hơn trăm trượng lao thẳng xuồng Hồ Tây rồi biến mất. Lá cờ lệnh bay đi bay lại rồi giáng xuống trước điện vua ngồi. Sau này 269 làng trông thấy lá cờ bay qua đã được triều đình cho phép lập đền thờ Linh Lang Các triều đại phong kiến đều ban sắc phong cho vị Hoàng tử có công với nước.
Ngày nay, giới sử học đều cho rằng Linh Lang chính là Hoàng tử Hoằng Chân, con vua Lý Thánh Tông, người đã hy sinh anh dũng trên phòng tuyến sông Cầu năm Đinh Tỵ (1077) trong cuộc chiến tranh chống Tống, bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước ở thế kỷ thứ XI.
Tưởng nhớ công lao của Thần, hàng năm dân làng Hào Nam tổ chức lễ hội từ ngày mùng 09 đến ngày 15 tháng 2 (âm lịch), nhưng ngày chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng 2.
Cũng như lễ hội truyền thống ở các làng quê vùng châu thổ Bắc bộ, công tác chuẩn bị được bắt đầu từ sau tết Nguyên Đán, ban tổ chức lễ hội đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên, mỗi người đảm nhận một công việc, như: chọn người viết văn tế, người tham gia vào đội tế, đám rước kiệu Thánh trong ngày hội, đặc biệt là việc khiêng kiệu phải chọn những “hàng đô” có sức khỏe, không có tang mới có thể đảm đương được nhiệm vụ. v.v...
Thành phần tham dự lễ hội: Theo lệ từ xưa tất cả các trai đinh trong làng từ 18 tuổi trở lên, nếu trong gia đình không có tang đều được tham gia đầy đủ. Ngày nay, tuy điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng lễ hội vẫn thu hút được đông đảo bà con trong làng và du khách thập phương về dự đông đủ.
Lễ vật dâng cúng Thành hoàng được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo gồm: Lễ mặn tam sinh, xôi gà, thịt lợn, thanh bông, hoa quả, trầu, rượu, kim ngân... Ngoài lễ chung, mỗi dòng họ, mỗi gia đình cũng đều sắm sanh lễ vật để thỉnh lên cung Thánh, cầu mong một năm làm ăn may mắn, hanh thông.
Xưa kia từ sớm ngày mồng 10 tháng 2, đội tế lễ Hào Nam sẽ rước Long đình về đền Voi Phục tề tựu để cùng các làng Thủ Lệ, Vạn Phúc, Thụy Khuê, Kim Mã, Ngọc Khánh rước Thánh về đình làng Vạn Phúc. Đám rước khổng lồ từ Thủ Lệ qua Kim Mã, núi Bò, núi Ngự, về đình Vạn Phúc đã xế chiều. Lễ đón Thánh về đình diễn ra trang trọng trong ánh sáng của hàng trăm ngọn đuốc, bài vị và bát nhang đưa vào trong đình, sau đó lễ tế được cử hành; Ngày 12 tháng 2, đoàn Thủ Lệ trả lễ về Thụy Khuê; Ngày 13 tháng 2, đoàn Thủ Lệ sang trả lễ và giao hảo với làng Hào Nam. Đoàn rước Hào Nam đi từ đình ra đón chạ anh Thủ Lệ. Lễ tế trang nghiêm trong lễ dâng nhang, dâng đăng, tiến tửu, đốt văn tế…
Ngày nay, tuy không duy trì được lễ hội của cả năm làng, nhưng mỗi làng đều tổ chức lễ hội theo lệ riêng của làng mình. Ở Hào Nam vẫn duy trì lệ kết chạ anh em với Thủ Lệ, rước kiệu lên tế lễ trang trọng ở đền Voi Phục với lễ Tam sinh, đầy đủ rượu, thủ lợn, xôi, oản, sau đó trở về đình Hào Nam mở lễ hội chính ngày 13/2 hàng năm.
Từ sáng ngày mùng 9 tháng 2, các cụ trong ban khánh tiết mở cửa Đình – Đền, vệ sinh, bao sái đồ thờ và làm lễ Tế Yết theo qui định. Sáng ngày mùng 10, chính quyền và nhân dân Hào Nam làm lễ rước kiệu, bát hương lên miếu thờ mẹ Ngài ở Thủ Lệ và đến ngày 13/2 âm lịch lại võng lọng rước về đình - đền Hào Nam. Đi cùng đoàn rước là đội múa lân, múa Sênh Tiền, đội rước bát hương, rước kiệu, cờ quạt, bát bửu, chấp kích, trường kiếm, binh khí trống bản. Đội khiêng kiệu gồm 8 hàng đô trong trang phục áo đỏ, đen, thắt đai lưng hoa lý, đầu chít khăn. Đến đoạn từ Nghi môn vào đến sân đền Thủ Lệ, thì kiệu Hào Nam bắt đầu bay rất ngoạn mục thẳng vào trong sân đình Thủ Lệ.
Ngày 13 tháng 2: Từ rất sớm, đội Nghi lễ đã tập trung đông đủ trước sân đình, sau màn trống khai hội là biểu diễn múa Lân, múa Sênh Tiền, múa Con Đĩ Đánh Bồng, những điệu múa cổ hòa cùng tiếng trống hội, chiêng, đàn đáy, âm thanh của phường bát âm khi réo rắt, khi dồn dập khiến cho không khí lễ hội thêm phần sôi nổi. Sau khi Ban tổ chức lễ hội tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu khai mạc lễ hội. Các đại biểu và nhân dân lắng nghe đọc bản thần phả về Linh Lang Đại vương và giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa đình – đền Hào Nam cũng như ban bảo vệ di tích báo cáo công tác trong một năm. Sau đó các cơ quan, đoàn thể trong phường và khách thập phương vào dâng hương, dâng hoa cầu mong Ngài phù hộ cho dân khang vật thịnh, nhà nhà yên vui.
Điều đặc biệt là đám rước kiệu Thánh Hào Nam đi đón kiệu Thánh làng Thủ Lệ. Ngay từ sáng sớm, các “hàng đô” trong trang phục áo đỏ, đen, thắt đai lưng hoa lý, đầu chít khăn đỏ đã ngay ngắn đứng trước kiệu Thánh. Khi đội kiệu của Thủ Lệ đến, đội kiệu của Hào Nam ra đón chạ anh. Đi trước kiệu là đội múa lân, múa xênh tiền, múa trống bồng (dân gian còn gọi là điệu múa con đĩ đánh bồng), đội dâng hương nữ, tế nam, trống lớn, trống bé, chiêng, chấp kích, bát bửu, long đao, tù và …Đến giữa đường (nay là phố Vũ Thạnh) thì cả đoàn rước quay lại để nhập vào đoàn rước Thủ Lệ. Tiếng Tù Và vang dội, kiệu Hào Nam đi nhanh vào đình, còn kiệu Thủ Lệ theo sau Tù Và bước chậm, hàng ngàn người lại được chứng kiến kiệu chạ anh bay ngoạn mục. Các hàng đô khiêng kiệu của hai làng quay tròn lúc hai kiệu gặp nhau, có lúc đi từ từ, có lúc như chạy, có lúc quay tít, dân gian gọi là hiện tượng “kiệu bay”, đây là một hiện tượng kỳ thú, khó giải thích trong tâm linh, bởi vậy, người dân thường nhắc nhau câu thơ:
Dân Hào Nam niềm vui khôn xiết
Khách thập phương dâng lễ rất đông
Dân ta con cháu Lạc Hồng
Hào Nam – Thủ Lệ lạ lùng kiệu bay...?
Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, các tiết mục văn nghệ trong ngày hội làng cũng diễn ra rất sôi nổi, đặc biệt là màn múa Trống Bồng của thanh niên trong và ngoài làng Hào Nam với trang phục khăn mỏ quạ, thắt lưng hoa lý, mặc váy đen, đeo Trống Bồng trước cái bụng lùm lùm, ngả nghiêng múa những điệu dân gian, mắt lúng liếng, tay đánh trống… người ngả nghiêng phản ánh quan niệm phồn thực rất vui tươi hóm hỉnh. Dưới hồ nước trước cửa đình, các tiết mục biểu diễn hát quan họ được các liền anh, liền chị trong trang phục áo the, khăn xếp tay cầm chiếc nón quai thao tình tứ giao duyên đằm thắm trên thuyền rồng tạo nên một khung cảnh đầy lễ hội đậm chất dân gian truyền thống.
Lễ hội đình – đền Hào Nam thực sự là những nghi thức sinh hoạt văn hóa tâm linh bổ ích và lành mạnh, là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc đang được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, kế thừa, phát huy, trao truyền cho các thế hệ nối tiếp, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của Thăng Long – Hà Nội.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh