Lễ hội đền Văn Chỉ
72 Ngõ Văn Chương, Thổ Quan, Đống Đa
0243 851 1306
Giới thiệu
Đền Văn Chỉ có tên chữ là “Văn Chương Linh Từ” (tức là đền thiêng Văn Chương) tọa lạc tại ngách 27, ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Thế kỷ XIX, đây nguyên là đất tổng Yên Hòa, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX là tổng Vĩnh Yên, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Nội.
Các tài liệu hiện còn trong đền cho biết, ngôi đền được ra đời vào thế kỷ XIX và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Kết cấu kiến trúc đền Văn Chỉ hiện nay theo kiểu chữ đinh, xây hai tầng, gồm Tiền tế 3 gian, Hậu cung 1 gian. Tất cả được bố trí trong khuôn viên xinh xắn, khép kín giữa khu dân cư đông đúc.
Theo truyền thuyết dân gian và lời kể của các cụ cao tuổi trong tổ dân phố thì đền Văn Chỉ chính là nơi hóa của đức Nam Phương Xích Đế (được thờ làm Thành hoàng tại đình Văn Hương). Hiện nay, khu vực của đền vẫn còn mộ của Ngài. Bên cạnh phần mộ của Nam Phương Xích Đế, nhân dân xây ngôi đền Văn Chỉ để thờ Ngài và sau này phối thờ Mẫu.
Nam Phương Xích Đế hay còn gọi là Viêm Đế, Chu Tước, húy là Đạo Công, vốn là thần Hỏa. Ngài sinh ngày 27 tháng 2 năm Giáp Ngọ. Thủa nhỏ đã có tư chất thông minh, dĩnh ngộ hơn người. Lớn lên, Đạo Công trở thành bậc anh hùng cái thế trong thiên hạ. Khi đó, nhà Hùng tổ chức tuyển người hiền tài, Đạo Công ra ứng thí và được tuyển chọn, phong làm Chỉ huy sứ tướng quân. Bấy giờ, vua Hùng Vương thứ 18 có ý định nhường ngôi cho con rể là Sơn Tinh. Nghe tin, Thục Vương đã đem quân tiến đánh đất nước Văn Lang. Hùng Vương cử Đạo Công đem quân đến đạo Sóc Sơn dẹp giặc. Chỉ trong 10 ngày, quân Thục đã bị đánh bại. Thắng trận trở về, Sơn Thánh cho người tâu với Hùng Vương ban chiếu triệu Đạo Công về triều, vua mở tiệc mừng công, ban thưởng tướng sĩ, cho phép Đạo Công về thăm thực ấp và quê quán. Ngài đến đạo Kinh Bắc rồi đến Thăng Long, đến địa phận Văn Chương, Văn Hương, phủ Phụng Thiên thì hóa tan biến vào đám mây ngũ sắc, hôm ấy là ngày 14 tháng 2. Nhân dân làm sớ tâu lên triều đình, vua bèn cử người về làm lễ và phong làm Thượng đẳng phúc thần, cho phép giáp Đông, ấp Văn Chương lập miếu thờ cúng.
Ngoài thờ Nam Phương Xích Đế, đền Văn Chỉ còn phối thờ Mẫu. Đây vốn là tín ngưỡng dân gianthuần Việt,có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là sự tôn thờ bà Mẹ “xứ sở”, như: mẹ Đất – mẹ Nước – mẹ Âu Cơ với ước vọng cầu mong về sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu tất yếu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho con người niềm tin, sức mạnh và nghị lực trong đời sống xã hội. Tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên gọi là nữ thần Mẹ. Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ, Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trước kia, dân làng Văn Hương, Văn Chương mở hội diễn ra trong 02 ngày 13, 14 tháng 2 âm lịch và lễ Cơm Mới (Tạ ơn) ngày 10 tháng 10 âm lịch thường niên. Từ ngày 12/2 nhân dân đã làm lễ rước Thánh từ đình Văn Hương sang đền Văn Chỉ (nơi Thần hóa) làm lễ. Sau đó rước Thánh sang đền Trung Tả. Ngày 13/2, các bô lão và nhân dân tổ chức tế lễ.
Ngày 14 tháng 2: Nhân dân các giáp Huy Văn, Trung Tả sang đền Văn Chỉ tế lễ, các trò chơi dân gian tổ chức hết ngày 15 tháng 2 thì các giáp tổ chức tế giã hội.
Ngày nay, do điều kiện xã hội đã có nhiều thay đổi, việc tổ chức lễ hội tưởng nhớ đức Nam Phương Xích Đế tại đình Văn Hương (nơi Ngài ngự) và đền Văn Chỉ (nơi Ngài hóa) chỉ diễn ra trong ngày 14 tháng 2 âm lịch. Công tác chuẩn bị cho lễ hội được chính quyền và nhân dân chuẩn bị từ sau tết Nguyên Đán. Ban khánh tiết mời các thành viên trong làng họp bàn kế hoạch chuẩn bị cho ngày hội, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, quan trọng nhất vẫn là chọn người viết văn tế, phải là người văn hay chữ tốt, tài đức, gia đình vẹn toàn. Văn tế được viết xong phải thông qua ban Tổ chức lễ hội duyệt rồi đặt lên ban thờ làm lễ để đến ngày lễ hội mang ra đọc.
Thành phần tham gia lễ hội đền Văn Chỉ gồm đại điện chính quyền địa phương, bà con trong hai phường Văn Chương và phường Hàng Bột và khách thập phương đều có thể tham gia, trừ những gia đình có tang chế mới bị cấm kỵ…
Lễ vật dâng cúng Thành hoàng được Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị từ chiều hôm trước gồm: xôi gà, hoa quả, thanh bông, tiền vàng, trà rượu, trầu cau được Ban tổ chức chuẩn bị rất chu đáo.
Từ sáng ngày 13 tháng 2, dân làng ra Đình quét dọn, bao sái, làm lễ Mộc dục, kê lại bàn ghế, treo cờ thần, cờ ngũ hành, cờ lệnh từ trong đền ra tới đầu ngõ Văn Chương (đường Tôn Đức Thắng). Trong đền, các đồ tế khí, chấp kích, hương án, bát hương… được bao sái sạch sẽ, trang hoàng. Bầu không khí lễ hội tràn ngập khắp con ngõ Văn Chương. Từ đầu ngõ Văn Chương, cờ thần được treo lên báo hiệu cho ngày hội đã đến gần.
Sáng hôm sau, ngày 14 tháng 2: Từ sáng sớm, đại diện chính quyền địa phương và bà con nhân dân trong trang phục chỉnh tề đến đền dự lễ. Sau lễ khai mạc, đại diện chính quyền địa phương giới thiệu thành phần đại biểu tham dự. Tiếp sau, nghi thức tế lễ được tiến hành với sự tham gia của đội tế nam gồm 12 người trong trang phục truyền thống, mọi người chỉnh tề đứng vào hàng ngũ. Lần lượt các tuần dâng rượu, trà, nước theo qui định dâng lên đức Thánh. Vị chủ tế long trọng đọc Chúc Văn nêu bật công lao to lớn của Ngài đối với dân làng và cầu xin Thần phù hộ, độ trì cho nhân dân được yên ổn làm ăn, cho đất nước thái bình, thịnh trị. Đọc xong, Chúc Văn được đem hóa như là để gửi gắm những lời cầu nguyện lên đức Thánh.
Sau nghi thức tế là lễ rước long ngai – bài vị kiệu Thánh được bắt đầu. Đi đầu đoàn rước là đội cờ lễ, múa lân, múa rồng, phường bát âm, tán, lọng, bát bửu, chấp kích. Đội khiêng kiệu gồm các thanh niên trai tráng trong trang phục áo quần màu đỏ, đầu chít khăn. Kiệu được trang trí rất tỷ mỷ, gồm long ngai – bài vị cùng các đồ cúng tế, theo sau là các cụ, bà con khối phố. Kiệu đi qua UBND phường Văn Chương, quanh khu tập thể Văn Chương, sau đó vòng qua hồ Văn Chương rồi lại rước quay về đền. Đám rước thu hút mọi lứa tuổi tham gia khiến cho bầu không khí lễ hội càng trở nên linh thiêng, trang trọng. Khi đám rước về đến đền, các cơ quan, đoàn thể, bà con trong phố dâng hương lễ Thánh cầu mong một năm gặp mọi điều tốt lành và may mắn trong cuộc sống.
Buổi trưa, các lễ vật được ban tổ chức hạ xuống, mọi người cùng thụ hưởng. Số còn lại chia đều cho các gia đình với ý nghĩa sẽ được lộc phước may mắn trong cả một năm.
Buổi chiều, những trò chơi dân gian như: cờ tướng, bóng bàn, cờ người được diễn ra, sau đó ban khánh tiết làm lễ yết cáo giã hội.
Ngày nay, mặc dù xã hội đã thay đổi so với trước kia, nhưng lễ hội đền Văn Chỉ vẫn được cộng đồng trân trọng, gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ nối tiếp nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, duy trì tốt các thuần phong mỹ tục, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu quê hương, đất nước, yêu di sản văn hóa, tiếp tục kế thừa và sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần làm giàu thêm, phong phú thêm bản sắc văn hóa của Thăng Long – Hà Nội trên bước đường hội nhập và phát triển.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh