Đình - Đền Hào Nam
Số 29 Phố Vũ Thạnh, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
ĐÌNH HÀO NAM
Làng Hào Nam - một trong “Thập tam trại” của kinh thành Thăng Long xưa, tại đây còn một ngôi đình cổ thờ thần Linh Lang Đại Vương. Tương truyền, đây là một trong 269 nơi thờ thần Linh Lang sau khi Ngài qua đời. Di tích có địa chỉ tại ngõ 29, phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Linh Lang là nhân vật được thờ nhiều trong làng quê của đồng bằng Bắc Bộ và được thờ chính tại đền Voi Phục, Thủ Lệ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Về lai lịch của thần, những ghi chép trong sử sách và truyền thuyết dân gian ở mỗi vùng có khác nhau, song tất cả các tài liệu đều quy nguồn gốc của thần về trại Thủ Lệ trong khu “Thập Tam trại” xưa. Theo thần tích thì Linh Lang là Hoàng tử thứ tư của vua Lý Thánh Tông và mẹ là Hạo Nương, người làng Bồng Lai, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai cùng gia đình ra Thị Trại (tức trại Thủ Lệ) sinh sống. Một lần khi bà đang tắm ở Hồ Tây thì có con Giao long đến quấn quanh người 3 vòng từ đó bà mang thai, sau 14 tháng thì sinh được một người con trai có hình dung kỳ vỹ to lớn khác thường. Trên lưng đứa trẻ có hình “Nhị thập bát tú” xếp hàng vảy nến, giữa bụng có sao Bắc đẩu điểm như hạt châu chia làm “Thất diệu”. Vua Lý rất mừng liền theo điềm báo đặt tên con là Hoàng Lang.
Sau khi Hoàng Lang ra đời được hơn một tháng thì tướng giặc kéo từ phương Bắc sang xâm lược nước ta. Hay tin triều đình cử sứ giả đi tìm người hiền ra giúp nước, Hoàng Lang bỗng vươn mình ngồi dậy, thân cao 9 thước, tay cầm cờ lệnh nhảy lên lưng voi, dẫn đoàn quân xông lên đánh tan quân giặc.
Khải hoàn trở về, vua Lý muốn nhường ngôi nhưng Hoàng Lang từ chối không nhận. Ít lâu sau, chàng lâm trọng bệnh. Khi vua cha tới thăm, Hoàng Lang thưa rằng: Thần vốn là con của Long Quân, vì thấy thế nước nguy nan nên vâng mệnh trời thác xuống Hoàng gia để giúp nước, nay giặc đã dẹp xong thần xin trở về thuỷ quốc. Biết nhà vua muốn hậu thưởng, cho phép nhân dân sau này được phụng thờ để hộ quốc an dân, Hoàng Lang xin được cầm lá cờ lệnh khi trước để tung lên trời, cờ bay đến đâu thì cho phép nơi đó được phụng thờ. Sau đó liền biến thành con rắn trắng dài hơn trăm trượng, lao thẳng xuồng Hồ Tây rồi biến mất. Lá cờ lệnh bay đi bay lại rồi giáng xuống trước điện vua ngồi. Sau này 269 làng trông thấy lá cờ bay qua đã được triều đình cho phép lập đền thờ Linh Lang. Các triều đại phong kiến đều ban sắc phong cho vị Hoàng tử có công với nước.
Ngày nay, giới sử học nhận định, Linh Lang chính là Hoàng tử Hoằng Chân, con vua Lý Thánh Tông, người đã hy sinh anh dũng trên phòng tuyến sông Cầu năm Đinh Tỵ (1077) trong cuộc chiến tranh chống Tống, bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước ở thế kỷ thứ XI.
Tưởng nhớ công lao của Thần, hàng năm dân làng Hào Nam tổ chức lễ hội từ ngày mùng 09 đến ngày 15 tháng 2 (âm lịch), nhưng ngày chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng 2. Lễ hội đình Hào Nam thu hút đông đảo khách thập phương và nhân dân trong vùng tham dự. Đây là một trong những lễ hội khá độc đáo của vùng Hà Nội.
Hiện chưa tìm thấy tư liệu thành văn nào ghi chép về niên đại khởi dựng của di tích, theo các cụ trong làng thì khoảng năm 1941-1942, đình và đền Hào Nam được sửa chữa. Quy mô kiến trúc hiện nay là dấu ấn của lần trùng tu lớn vào năm 1986-1988.
Di tích tọa lạc trên khu đất cao ráo, sáng sủa trong khu vực cư trú của làng. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại rằng: trước đây, đường vào cổng đình còn một ao lớn (còn gọi là ao Lão – tức là ao của các cụ đã được lên lão làng). Khuôn viên của đình rộng thoáng bởi khu hồ nước phía trước và những hàng cây xanh rợp mát. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì đình - đền Hào Nam lại là địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn bởi hệ thống cây xanh, hồ nước có giá trị vừa tôn thêm vẻ đẹp vốn có của di tích, vừa cân bằng hệ sinh thái trong khu vực nội đô mà ít nơi còn giữ được. Mặt nước hồ trong xanh, phẳng lặng, soi bóng những hàng cây, xung quanh hồ đã được kè đá, lối lên xuống được làm bằng những bậc đá xanh, lan can chạm thành bậc rồng uốn khúc thật khéo léo tác động vào cảm giác của du khách khi lần đầu bước chân tới di tích.
Trong khuôn viên đình có Văn chỉ thờ Khổng Tử xây lộ thiên, phía trước và hai bên Văn chỉ thiết kế hai bệ thờ dùng để đồ lễ.
Nghi Môn đình xây dạng tứ trụ, đỉnh hai trụ chính trang trí trái Dành cách điệu, dưới là 4 con rồng đầu quay 4 hướng, lồng đèn trang trí hoa văn hình học, 4 mặt trụ bổ khung ghi câu đối chữ Hán. Hai bên Nghi Môn đặt hai pho tượng Vũ Đinh - Thiên Ất và đôi voi phục dẫn vào sân đình.
Đại Bái là một nếp nhà 5 gian, xây tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ, giữa bờ nóc đắp hổ phù mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân trồng lúa nước, hai đốc mái đắp hình con rồng cách điệu, phía trước 3 gian mở cửa bức bàn.
Kết cấu bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ truyền” với 4 hàng chân cột. Trang trí trên con rường, xà, kẻ là các đề tài tứ linh, phượng vũ, hổ phù, vân xoắn. Đặc biệt là ở các bức cốn nách đề tài cúc lão, rồng lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Gian giữa treo bức Y môn khá đẹp, chạm thủng rồng chầu mặt trời, rồng lá, hổ phù, long mã hà đồ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hậu Cung gồm 3 gian, mái lợp ngói mũi hài cổ. Các bộ vì kết cấu kiểu “Chồng rường giá chiêng hạ cốn”. Phần trang trí tập trung trên bộ vì ván mê, cốn, con rường đề tài rồng mây, lá lật, vân xoắn, văn triện mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đình Hào Nam còn lưu giữ được một số di vật tiêu biểu, minh chứng cho quá trình tồn tại và phát triển của di tích, như: Long ngai – Bài vị, Kiệu rước, Giá kiếm, Chấp kích, Hương án, Cửa võng, Hoành phi, Câu đối, Bát hương, Đỉnh trầm, Hạc thờ… được chạm khắc tinh tế, khéo léo các đề tài hoa văn truyền thống mang ý nghĩa cầu mưa, cầu được mùa cho vạn vật sinh sôi phát triển, mùa màng bội thu. Những di vật này ngoài việc góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản dân gian truyền thống của Thăng Long Hà Nội, còn phản ánh sự phong phú của các nghề thủ công truyền thống ở vùng đất kinh kỳ qua hàng trăm năm lịch sử, giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội đương thời.
Trong những ngày đầu của cuộc cách mạng tháng 8/1945, đình Hào Nam là một trong những cơ sở cách mạng của cán bộ nội thành. Chính tại cây đa giếng làng, đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội đã về mít tinh, kêu gọi nhân dân Hào Nam xuống đường giành chính quyền vào tháng 8/1945. Đến tháng 12/1946, các đội tự vệ, cứu thương của Hào Nam đã tham gia chiến đấu cùng các chiến sĩ Vệ quốc đoàn của Tiểu đoàn 523 để bảo vệ Thủ đô. Tại di tích vẫn còn căn hầm bí mật là nơi che chở cho các đồng chí lãnh đạo Đảng về hoạt động.
Ngôi đình là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân làng xã, nơi giáo dục cho các lớp thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, hướng con người tới những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Đình Hào Nam đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1994.
ĐỀN HÀO NAM
Đền Hào Nam còn được gọi là đền Nhà Bà nằm trong quần thể di tích đình – đền Hào Nam có địa chỉ tại ngõ 29, phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Đền thờ Ngọc Thủy Tinh Công Chúa – tương truyền đây là tên hiệu mà vua Lê Thánh Tông tặng cho ni cô mà vua từng gặp tại chùa Ngọc Hồ (chùa Bà Ngô) - phường Văn Miếu để rồi cùng vua xướng họa, vịnh thơ.
Ngọc Thủy Tinh Công Chúa – vốn là vị Thiên thần, hiệu là Ngọc Thủy Tinh. Ngoài thờ tại đền Hào Nam, trên địa bàn quận Đống Đa, Ngài còn được thờ tại đình Thịnh Quang, đình Hoàng Cầu. Ngài giáng xuống hạ thế tại chùa Hương Tích vào ngày 21 tháng 2 năm Quý Hợi, sau đó đi chu du thiên hạ, thăm thú các vùng danh lam thắng cảnh. Một lần Ngài ghé qua Thăng Long, gặp vua Lê Thánh Tông rồi cùng vua xướng họa làm thơ. Sau khi trở về trời, vua Lê Thánh Tông ban sắc phong thần, cho phép 32 làng được thờ cúng, trong đó có trại Hào Nam, Thịnh Quang, Hoàng Cầu… và một số nơi khác thuộc khu vực kinh thành Thăng Long xưa.
Trong những ngày đầu của cuộc cách mạng tháng 8, đình – đền Hào Nam là một trong những cơ sở cách mạng của Việt Minh. Chính tại cây đa giếng làng Hào Nam, đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội đã về tham gia mít tinh, kêu gọi nhân dân Hào Nam xuống đường giành chính quyền vào tháng 8/1945. Đến tháng 12/1946, các đội tự vệ, cứu thương của Hào Nam đã tham gia chiến đấu cùng các chiến sĩ Vệ quốc đoàn của Tiểu đoàn 523 để bảo vệ Thủ đô. Tại di tích vẫn còn căn hầm bí mật là nơi che chở cho các đồng chí lãnh đạo Đảng về hoạt động.
Hiện chưa tìm thấy tư liệu thành văn nào ghi chép về niên đại khởi dựng của di tích, theo các cụ trong làng thì khoảng năm 1941-1942, đình và đền Hào Nam đã từng được sửa chữa, tu bổ. Kiến trúc hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào năm 1986-1988.
Di tích tọa lạc trên khu đất cao ráo, sáng sủa trong khu vực cư trú của làng. Các cụ cao tuổi trong làng kể lại rằng: trước đây, đường vào cổng đình -đền còn một ao lớn (còn gọi là ao Lão – tức là ao của các cụ đã được lên lão làng). Khuôn viên của đình – đền rộng thoáng bởi khu hồ nước phía trước và những hàng cây xanh rợp mát. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì đình - đền Hào Nam lại là địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn bởi hệ thống cây xanh, hồ nước có giá trị vừa tôn thêm vẻ đẹp vốn có của di tích, vừa cân bằng hệ sinh thái trong khu vực nội đô mà ít nơi còn giữ được. Mặt nước hồ trong xanh, phẳng lặng, soi bóng những hàng cây, xung quanh hồ đã được kè đá, lối lên xuống được làm bằng những bậc đá xanh, lan can chạm thành bậc rồng uốn khúc thật khéo léo tác động vào cảm giác của du khách khi lần đầu bước chân tới di tích.
Trước sân đền xây bức bình phong, mặt ngoài bình phong đắp hình cuốn thư, rồng cuốn thủy, hoa sen, hổ phù; mặt bên trong trang trí đôi rồng chầu vào mặt trời lửa, hạc ngậm cành hoa, cảnh người câu cá. Hai bên cuốn thư xây hai trụ biểu, đỉnh trụ là hai con nghê đứng chầu vào nhau, thân trụ đắp câu đối chữ Hán.
Đền được dựng theo hướng Tây ngay bên cạnh đình Hào Nam. Kết cấu kiến trúc của đền dạng chữ “Đinh” gồm tòa Tiền Tế và Hậu Cung.
Tiền Tế là nếp nhà 3 gian, xây gạch, kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai, mái lợp ngói ri, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Phía trước các gian mở cửa bức bàn “Thượng song hạ bản”. Bộ khung kết cấu kiểu “Kèo cầu quá giang trốn cột”. Phía trên gian giữa treo bức hoành phi đề 3 chữ: “Đạo đại quang” được tạo vào năm Thành Thái Ất Mùi, hai gian bên là hai bức “Thân thiên” và “Phối địa” có nghĩa là sánh ngang với trời đất, bên dưới là đôi câu đối:
Ôn dụ khoan nhu thiên hạ Thánh
Thông minh chính trực nữ trung thân.
Hai hồi Tiền Tế xây hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau, đầu quay bốn hướng tạo thành hình trái Dành cách điệu. Trên khoảng tường lửng từ hồi hiên đến trụ biểu đắp hai ông Hổ.
Hậu Cung gồm 2 gian nhà dọc, mái lợp ngói ri, bộ khung kết cấu kiểu “Chồng rường giá chiêng, hạ cốn”. Phần trang trí trên kiến trúc đền Hào Nam được tập trung chủ yếu ở các con rường, cốn, ván mê đề tài rồng ổ, lá hóa rồng, long mã, phượng vũ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Trong cung đặt một chiếc khám lớn sơn son thếp vàng, chạm khắc tỷ mỷ đề tài tứ linh, tứ quý, vân lá, hoa thị mang niên đại thế kỷ XIX. Trong khám đặt bộ Long ngai – Bài vị đề: “Vạn Thánh Ngọc Thủy Tinh Công Chúa Thần Vị”, dưới khám là pho tượng của Ngọc Thủy Tinh Công Chúa được nhân dân tạc sau này với hình dáng pho tượng Mẫu thuần Việt.
Đền Hào Nam còn lưu giữ được một số di vật tiêu biểu, minh chứng cho quá trình tồn tại của di tích như: Long ngai – Bài vị, Hương án, Cửa võng, Hoành phi, Câu đối, Bát hương, tượng Mẫu…. mang niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản dân gian truyền thống của Thăng Long Hà Nội.
Cùng với đình Hào Nam, đền Hào Nam là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân làng xã, nơi giáo dục cho các thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước, hướng con người tới những giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
Đền Hào Nam đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1994.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh