Di tích cách mạng "Bác Hồ về thăm trường Đại học Công đoàn"
169 Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Đại Học Công Đoàn có địa chỉ tại số 158, phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Trường Đại Học Công Đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là trung tâm đào tạo cán bộ Công Đoàn, đào tạo cử nhân đa ngành Kinh tế, Quản lý Kinh tế, Bảo hộ lao động, đồng thời cũng là Trung tâm nghiên cứu về giai cấp Công Nhân và tổ chức Công Đoàn Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác Công Đoàn và phong trào Công Nhân lao động. Tháng 4/1946, một số đồng chí lãnh đạo Hội Công Nhân Cứu Quốc như Trần Danh Tuyên, Trần Cư… đến xin ý kiến Bác và Trung ương thành lập tổ chức Công Đoàn và mở rộng lớp đào tạo cán bộ Công Đoàn đầu tiên, Bác căn dặn: “Để có điều kiện mở rộng và tập hợp được Đoàn viên thì phải có cán bộ và muốn có cán bộ thì phải mở lớp đào tạo, phải thành lập trường trước, sau đó mới mộ quân”.
Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 15/5/1946, lớp cán bộ Công Vận đầu tiên được khai mạc tại đình Khuyến Lương, xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, (nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Với tình cảm và sự quan tâm đến sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Đoàn, Bác Hồ đã 5 lần đến thăm Trường Đại Học Công Đoàn - Cái nôi đào tạo cán bộ Công Đoàn Việt Nam.
Lần thứ nhất: Ngày 19/1/1957, Bác đến thăm và nói chuyện với lớp tập huấn và toàn thể cán bộ công nhân viên, học viên nhà trường tại địa điểm 191, phố Tây Sơn. Bác nói chung về đường lối của Đảng đối với giai cấp Công Nhân, về đạo đức vô sản, về sự đoàn kết, thái độ và nhiệm vụ của Công Đoàn.
Lần thứ 2: Tháng 12 năm 1957, trường mở Hội nghị tập huấn cán bộ Công Đoàn về “Quản lý xí nghiệp quốc doanh”, Bác lại đến thăm và nói chuyện.
Lần thứ 3: Ngày 12/4/1958, trường mở lớp bồi dưỡng cán bộ Công Đoàn, Bác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân viên và học viên tại Hội trường.
Lần thứ 4: Ngày 14/3/1959, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ Công Đoàn xí nghiệp toàn miền Bắc tổ chức tại trường. Bác nói: Công Đoàn phải phát huy vai trò làm chủ của Công Nhân trong tham gia quản lý và tổ chức phong trào thi đua, phải liên hệ mật thiết với quần chúng và phải đoàn kết nội bộ. Mục đích của Công Đoàn là phải cải thiện dần đời sống vật chất và văn hóa của Công Nhân.
Lần thứ 5: Ngày 13/8/1962, Hội nghị cán bộ Công Đoàn cơ sở toàn miền Bắc họp ở 169 Tây Sơn. Hàng nghìn cán bộ đã chăm chú lắng nghe lời Bác: “Cán bộ Công Đoàn chẳng những phải giỏi chính trị mà phải tài về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung. Muốn giáo dục tốt Công Nhân, trước hết đội ngũ cán bộ Công Đoàn phải đoàn kết, nhất trí, kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong hệ thống công đoàn…”.
Những lần về thăm trường, sự căn dặn của Bác đã là kim chỉ nam cho hoạt động của nhà trường, là định hướng quý báu cho việc phát triển tổ chức công đoàn và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn. Đó cũng là những kỷ niệm không thể nào phai mờ trong ký ức nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên trong suốt chặng đường trưởng thành và phát triển cả nhà trường.
Để ghi nhớ sự kiện những lần Bác Hồ đã về thăm cán bộ, giáo viên, viên chức, người lao động; đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp, Đảng ủy, ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định xây dựng khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên của nhà trường phía trước Hội trường chính. Khu lưu niệm nằm ở vị trí trang nghiêm, yên tĩnh. Xung quanh trồng rất nhiều cây xanh, cây bóng mát và các bồn cây cảnh cỡ lớn. Những cây luôn được cắt tỉa, chăm sóc thường ngày tạo nên một không gian vừa tôn nghiêm, vừa gần gũi. Lối đi được lát gạch sạch sẽ, ngay ngắn.
Tượng đài Bác được dựng trên một bệ hình vuông, lát đá tự nhiên. Trên bệ đặt tượng Bác đang đứng, tay phải Bác giơ lên chào đồng bào, tay trái Bác cầm hộp kính. Tượng Bác trông thật giản dị và gần gũi, ánh mắt trìu mến hướng về phía trước. Trước tượng đặt một Lư hương đồng. Vào những ngày lễ lớn và dịp sinh nhật Bác, các cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường đều đến đây thắp nén hương thơm thành kính dâng lên Bác với tất cả tấm lòng biết ơn, thành kính.
Ngoài khu tượng đài, địa điểm Hội trường nơi Bác về nói chuyện lần cuối vào ngày 13/8/1962 vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và được tôn tạo ngày càng khang trang. Đây chính là nơi sinh hoạt chính trị, khoa học, văn hóa tập thể của cán bộ, công nhân viên và sinh viên nhà trường.
Thủ đô Hà Nội vốn là nơi Hồ Chủ Tịch sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Từ năm 1945 đến năm 1969, trên cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mặc dù công việc bộn bề, nhưng Bác vẫn giành cho thủ đô Hà Nội và giai cấp Công nhân những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, trong đó có Trường Đại Học Công Đoàn. Đây là một vinh dự lớn lao đối với tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên và sinh viên của nhà trường. Có lẽ hiếm thấy một đơn vị, cơ quan, trường học nào có vinh dự được đón lãnh tụ tối cao của dân tộc đến thăm và làm việc nhiều lần như vậy. Đó không chỉ là niềm tự hào, vinh dự đối với tập thể giáo viên, cán bộ nhà trường mà còn là niềm tự hào của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Di tích lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm trường Đại Học Công Đoàn đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2001.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh