Chùa Đồng Quang
số 15, ngõ 119, phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
0243 851 1306
Giới thiệu
Chùa có tên chữ là “Đồng Quang tự”, tọa lạc tại số 15, ngõ 119, phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 9 (1856) hiện còn cho biết chùa Đồng Quang vốn là chiến trường ác liệt của nghĩa quân Tây Sơn trong trận Đống Đa lịch sử vào năm 1789. Khoảng những năm từ 1840 đến năm 1847, đời vua Thiệu Trị, Tổng đốc Hà Nội là Đặng Văn Hòa đã cho thu nhặt những hài cốt quân Thanh nằm rải rác khắp nơi, rồi đem chôn thành 12 gò và cho dựng một Điện tế vong hồn những người chết trận. Đến năm 1851, niên hiệu Tự Đức thứ 4, Kinh Lược Nguyễn Văn Giai cho mở đường, lập chợ, thấy còn nhiều xương khô nên đã sai người thu nhặt lại, đắp thành một gò nữa và kêu gọi những nhà hảo tâm quyên góp dựng thêm mấy gian để tế lễ. Trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo thành ngôi chùa Đồng Quang hiện nay. Các công trình kiến trúc hiện nay của chùa gồm: Tam Quan, Tiền Đường, Thượng Điện, Nhà Tổ, nhà Mẫu và khu đền thờ Hoàng đế Quang Trung.
Tam Quan là một kiến trúc xây cuốn vòm dạng chồng diêm hai tầng 8 mái đao cong, đỉnh nóc mái đắp hình mặt trời lửa, phía dưới có bức đại tự đề 4 chữ Hán “Đồng Quang linh tự” (nghĩa là chùa thiêng Đồng Quang), hai bên cổng ghi câu đối Hán tự.
Vào bên trong, sân chùa lát bằng gạch Bát Tràng. Trong sân trồng cây lưu niên, cây cảnh và những hàng ghế đá được sắp đặt ngay ngắn tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng nơi cửa thiền. Trước sân chùa tạo một hòn non bộ, bên trong đặt pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng ngự trên hòn giả sơn như muốn chuyển tải tinh thần của Phật pháp để cứu độ chúng sinh đau khổ nơi trần thế.
Trước chùa, các bậc lên xuống đều làm bằng khối đá xanh cỡ lớn, hai bên tạo thành bậc rồng trông rất uy nghi. Lối lên xuống gian giữa là một sập thờ chạm trổ long mã hà đồ, rồng ổ, cuốn thư, hoa sen, văn triện, mây cuộn thật tinh tế và sắc nét.
Tòa Tiền Đường gồm 5 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc đắp bức cuốn thư đề 3 chữ Hán “Đồng Quang tự”, hai đốc mái đắp đầu rồng cách điệu. Bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ kết cấu theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn rường” trên mặt bằng bốn hàng chân. Ba gian giữa mở cửa gỗ theo kiểu “Thượng song hạ bản”. Nhà có khoảng hiên khá rộng, các cột hiên đều làm bằng đá xanh có khắc Hán tự, tứ quý và vân mây mang ý nghĩa cầu mưa, cầu được mùa, vạn vật sinh sôi, phát triển.
Thượng Điện là một nếp nhà 3 gian ở phía sau tạo thành kiểu chữ “Đinh”. Kết cấu các bộ vì theo kiểu “Thượng giá chiêng hạ cốn” trên mặt bằng hai hàng chân. Đây là nơi an tọa của các lớp tượng Phật theo nguyên tắc của một ngôi chùa truyền thống. Trên cùng là bộ tượng Tam Thế, tiếp sau là tượng A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu và cuối cùng là tòa Cửu Long mô tả lúc Đức Phật Thích Ca chào đời.
Ngoài kiến trúc chính, chùa Đồng Quang còn khu nhà Tổ 7 gian 2 dĩ, nhà Mẫu 3 gian 2 dĩ theo phong cách truyền thống. Tất cả các cấu kiện gỗ tại hai kiến trúc này đều được chạm trổ hoa văn tạo cảm giác nhẹ nhàng và thanh thoát cho di tích.
Khu đền thờ vua Quang Trung được thiết kế theo kiểu chữ “Nhị”, gồm 5 gian Tiền Tế, 5 gian Hậu Cung. Tòa Tiền Tế là nơi thờ những vong linh quân Thanh tử trận năm 1789. Hậu Cung thờ đức Vua Quang Trung - vị lãnh tụ kiệt xuất của nghĩa quân Tây Sơn. Ngoài ra, tại đây còn thờ một số công thần triều Nguyễn.
Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, chùa Đồng Quang vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử - văn hóa và nghệ thuật, gồm: 37 pho tượng tròn, 14 tấm Bia đá, 02 quả Chuông đồng cùng nhiều Hoành phi, Cửa võng, Câu đối, Hương án, Cuốn thư… có niên đại nghệ thuật thế kỷ XIX-XX đã tạo cho Phật điện của chùa thêm phần uy linh, tráng lệ.
Hàng năm, vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán, cùng với lễ hội gò Đống Đa, chùa Đồng Quang lại mở hội cúng cháo thí xá tội vong nhân cầu siêu cho những linh hồn binh sĩ quân Thanh tử trận năm xưa sớm được trở về Bắc quốc. Nghi lễ này đã thể hiện tinh thần nhân văn và đạo đức truyền thống của dân tộc ta trong cách ứng xử đối với những kẻ xâm lược bại trận.
Nằm trong chiến trường ác liệt của nghĩa quân Tây Sơn trong trận Đống Đa lịch sử năm 1789, chùa Đồng Quang cùng với 13 gò chôn xác quân Thanh như: Gò Đống Đa, gò Trung Liệt, gò Đống Thiêng, gò Đầu Lâu, núi Cây Cờ, Thanh Miếu, chùa Bộc… là những chứng tích lịch sử ghi dấu chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn ở thế kỷ XVIII.
Ngôi chùa đã được xếp hạng là tích cấp Quốc gia năm 1990.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh