Chùa Bộc
14 Chùa Bộc, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội
0243 851 1306
Giới thiệu
Trên con phố thương mại, sầm uất của quận Đống Đa hiện nay, có một di tích từng là chiến trường ác liệt, chôn vùi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh vào ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789) trong trận đánh Đống Đa lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn, đó là chùa Bộc, tên chữ là “Sùng Phúc tự” hay “Thiên Phúc tự”. Ngôi chùa tọa lạc tại số 25, phố Chùa Bộc, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chùa vốn được dựng lên để thờ Phật, nhưng do nằm trong địa phận chiến trường gò Đống Đa nên chùa còn thờ cả vua Quang Trung và vong linh những quân Thanh đã chết trận năm xưa. Cái tên “Bộc” hàm ý chỉ đây chính là chiến trường phơi xác quân xâm lược Mãn Thanh vào năm 1789.
Tương truyền, chùa được khởi dựng từ rất sớm với tên gọi “Sùng Phúc tự”, đến giữa thế kỷ 17, chùa được tu sửa khang trang. Lần tu sửa này được ghi lại trong tấm bia “Trùng tu Sùng Phúc tự”, niên hiệu Vĩnh Trị nguyên niên (1676). Đến năm Chính Hoà thứ 7 (1686), chùa lại đúc tượng Phật và chuông đồng . Cuối thế kỷ 18, trong trận Đống Đa lịch sử, ngôi chùa bị đổ nát, hoang phế. Năm Quang Trung thứ 4 (1792), được tu sửa lại và cho đổi tên thành “Thiên Phúc tự”. Tấm bia “Tái tạo Sùng Phúc tự, Phật tượng các tòa bi ký” dựng tháng Giêng năm Nhâm Tý - niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1792) cho biết chùa được xây dựng và làm lại tượng Phật do Thiền sư trụ trì là Tăng Thống Lê Đình Lượng, tự Đức Trường và vị sắc mục là Vũ Viết Hoa cùng nhân dân bản trại Khương Thượng phát tâm tu sửa.
Thế kỷ 19, chùa tiếp tục được trùng tu, khắc bia, tạc tượng ngày thêm khang trang và hoàn thiện hơn. Hiện nay, chùa Bộc có qui mô kiến trúc rất bề thế so với nhiều ngôi chùa khác trong vùng. Từ ngoài vào phải qua hai lớp cổng Tam Quan, khu Hồ tắm voi và sân gạch rộng tới Tiền Đường, Thượng Điện, Nhà Tổ, Hành Lang, Nhà Khách, Khu Vườn Tháp và Thanh Miếu.
Tam Quan Ngoại nằm ngay sát hè phố chùa Bộc, là một kiến trúc đồ sộ, gồm 3 cổng xây cuốn vòm hai tầng 8 mái lợp ngói giả ống, cổng chính cao và rộng hơn hai cổng bên. Đỉnh nóc mái đắp mặt trời lửa với những đầu đao như bay vút lên lên không trung, bên dưới treo bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Thiên Phúc tự”, hai bên cổng xây hai trụ lớn, đỉnh trang trí chái giành cách điệu. Từ đây vào đến Tam Quan nội đi qua một hồ rộng, gọi là Hồ Tắm Tượng, hồ này khi xưa rất lớn, mang tư cách “tụ thủy, tụ phúc” cho di tích. Tương truyền, sau khi hạ được đồn Khương Thượng, đội Tượng binh (voi chiến) của nghĩa quân Tây Sơn đã tắm tại đây để phủi sạch khói bụi. Ngày nay, diện tích hồ bị thu nhỏ lại rất nhiều, chỉ còn khoảng 300m2, xung quanh được kè đá, dưới lòng hồ thả sen, hoa súng để tăng thêm sự tao nhã cho cảnh chùa. Cũng trong sân chùa còn có hai ngôi tháp mộ và 3 nhà che bia, bên phải sân có nhà trưng bày chiến thắng Đống Đa lịch sử.
Tam Quan Nội có dạng thức giống với Tam Quan chùa Láng. Công trình này được tôn tạo năm 1982, gồm 3 gian kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng 4 mái. Tầng trên là gác chuông, hai mặt trước và sau để trống, mở ra không gian thoáng đãng vào bên trong. Tam Quan này chỉ có ý nghĩa triết lý đạo Phật, khách hành hương không đi vào chùa bằng lối này.
Chùa chính được làm dạng “Đinh” gồm Tiền Đường, Thượng Điện. Tòa Tiền Đường có qui mô bề thế, gồm 9 gian, 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói mũi hài, chính giữa bờ nóc đắp một mặt trời lớn, hai đầu hồi đắp hình con Makara đuôi xoắn cuộn đang chầu vào giữa mái. Trước hồi hiên có hai cột đồng trụ lớn, trên đỉnh đắp tứ phượng chụm đuôi vào nhau theo kiểu chái giành, phần lồng đền trang trí tứ linh, tứ quí. Thân trụ đắp câu đối ca ngợi cảnh đẹp di tích, phần đế trụ thắt cổ bồng.
Bộ khung làm bằng gỗ gồm các bộ vì kết cấu kiểu chồng rường tạo các hoa văn truyền thống như: Lá lật, văn triện rất sinh động.
Tòa Thượng Điện gồm 3 gian dọc. Nhà xây dạng tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Bộ khung kết cấu kiểu chồng rường. Các cột đều được làm kiểu thượng thu hạ thách, kê trên những chân tảng cổ bồng.
Hai bên Thượng Điện còn có hai dãy Hành Lang, mỗi bên xây 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ vì kết cấu kiểu giá chiêng kẻ chuyền mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 20. Công trình này được trùng tu vào năm 1997-1998. Hành Lang của chùa hiện nay được sử dụng với công năng là Nhà Khách.
Khu Nhà Tổ ở phía sau chùa có kết cấu dạng chữ “Đinh”, gồm Tiền Tế và Hậu Cung. Tiền Tế gồm 9 gian, xây tường hồi bít đốc. Ba bộ vì gian giữa kết cấu giá chiêng - kẻ chuyền, các vì còn lại kết cấu kiểu chồng rường. Tại 3 gian giữa là nơi đặt tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma và các vị sư Tổ. Hậu Cung gồm 3 gian, là nơi thờ Mẫu của chùa. Gian giữa thờ Tam Toà Thánh Mẫu, Tứ Phủ Công Đồng, gian bên phải thờ Chúa Sơn Trang, gian trái thờ Trần Triều.
Trong khuôn viên của chùa hiện còn một ngôi miếu nhỏ - gọi là Thanh Miếu – tức nơi thờ vong hồn quân Thanh chết trong trận Đống Đa năm xưa; xây dạng chữ “Đinh”, gồm Tiền Tế và Hậu Cung. Tại chùa còn có khu vườn gồm 5 ngọn tháp được xây gạch, trát vữa, mặt cắt hình vuông, gồm 3 tầng đặt chồng lên nhau. Đây là nơi yên nghỉ của những vị sư trụ trì đã viên tịch. Tháp có niên đại muộn, khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Cũng như nhiều ngôi chùa Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ, tồn tại đến nay, chùa Bộc vẫn bảo lưu được đầy đủ các lớp tượng được tạo tác đẹp, tinh tế, có giá trị điêu khắc, nghệ thuật cao. Tiêu biểu là: Bộ tượng Tam Thế Phật bằng gỗ mít, khá tinh xảo; ngoài ra còn có bộ tượng Thích Ca ngồi kiết già cùng nhị vị Bồ Tát, bộ tượng Di Lặc và hai vị La Hán, tượng Cửa Long và Nam Tào – Bắc Đẩu, bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, tượng Đức Ông – Thánh Tăng, tượng Khuyến Thiện - Trừng Ác, tượng Tổ, tượng Mẫu...với cách bố cục cân phân, đường nét mềm mại, uyển chuyển, phản ánh bước đi của lịch sử mỹ thuật qua từng thời kỳ. Những pho tượng này phần lớn có niên đại nghệ thuật khoảng thế kỷ 19-20.
Đáng lưu tâm là tượng Đức Ông trong chùa, tương truyền là tượng của Hoàng đế Quang Trung, bởi phía trên ban thờ có bức hoành phi đề 4 chữ “uy phong lẫm liệt”, dưới là đôi câu đối:
Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ
Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân
Tạm dịch:
Cửa Động không bụi trần, nền cột còn đây giữa núi sông rộng lớn
Trong sáng hóa thành Phật, gió mây chuyển cả thế giới dưới trần.
Bộ tượng Đức Ông gồm 3 pho tượng, trong đó, tượng Đức Ông to hơn, ngồi cao hơn một bậc, ở bậc dưới có hai tượng ngồi. Trông toàn cảnh thấy như thể quân vương đang bàn chuyện đại sự với hai vị cận thần. Đặc biệt, pho tượng Đức Ông ngồi trên bệ đầu đội mũ Xung Thiên, một chân ở trong hài một chân để ở ngoài, dáng vẻ rất tự nhiên, thoải mái. Ngài mặc áo Hoàng bào có thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc trông rất oai nghiêm. Phía sau bệ gỗ, đặt áp sát vào tường có dòng chữ khắc: “Bính Ngọ Tạo Quang Trung Tượng” (1846), nên các nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng Đức Ông tại chùa Bộc chính là tượng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tượng được dựng và tôn thờ dưới dạng tượng Đức Ông để tránh sự trả thù của triều Nguyễn với nhà Tây Sơn.
Chùa Bộc là di sản văn hóa - lịch sử có giá trị của thủ đô Hà Nội, cùng với 13 gò chôn xác quân Thanh như: gò Đống Đa, gò Trung Liệt, gò Đống Thiêng, gò Đầu Lâu, núi Cây Cờ, chùa Đồng Quang, Thanh Miếu…là những chứng tích lịch sử ghi dấu chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn ở thế kỷ 18. Bên cạnh đó, di tích còn bảo lưu được nhiều di vật quí, hiếm, có giá trị lịch sử - văn hóa, điêu khắc, gồm 33 pho tượng Phật, 1 quả chuông đồng, 11 hoành phi, 18 câu đối, 6 tấm bia đá. Đáng quan tâm là các bia: “Trùng tu Sùng Phúc tự”, niên hiệu Vĩnh Trị nguyên niên (1676), bia “Chú tượng Phật, hồng chung ký”, niên hiệu Chính Hòa 7 (1686), bia “Tái tạo Sùng Phúc tự, Phật tượng các tòa bi ký” niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1792)…Đây là những tư liệu lịch sử vô cùng quí giá, giúp chúng ta tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa, những lần trùng tu, tôn tạo; về những di tích liên quan trong trận Đống Đa năm 1789 và nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội đương thời. Ngôi chùa là nơi hội tụ các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong nước, nơi tham quan, điền dã, học tập ngoại khóa của sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, Trung học phổ thông; nơi để mỗi người dân tìm đến sự bình an, thư thái trong tâm hồn…
Giá trị của ngôi chùa bao hàm giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị không gian - cảnh quan, giá trị di vật, giá trị lễ hội và những giá trị nội tại … đã tạo cho di tích trở thành điểm tham quan, chiêm bái của du khách thập phương mỗi khi đến với Thăng Long Hà Nội.
Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tết âm lịch, cùng với lễ hội tại gò Đống Đa, tại chùa Bộc cũng làm lễ tưởng niệm đức vua Quang Trung và cầu siêu cho các linh hồn quân Thanh tử trận tại Thanh Miếu thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo của nhân dân ta đối với những kẻ xâm lược bại trận, đồng thời nhắc nhở các thế hệ hôm nay thêm trân trọng những giá trị của hòa bình. Chùa Bộc đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 13/01/1964.
Bản đồ
Địa điểm xung quanh